Logo Mobi
Logo Mobi
BỆNH CÚM MÙA – CÁCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH

BỆNH CÚM MÙA – CÁCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH

By NT Xuân Th02 09, 2025 777

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

        Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

        Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong .

I. NHƯNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA CÚM MÙA.

- Sốt (thường trên 38oC), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở. (Có yếu tố dịch tễ: Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm).

- Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:

+ Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải

+ Người già trên 65 tuổi

+ Phụ nữ có thai

+ Người lớn mắc các bệnh mạn tính (như đã nêu trên)

+ Suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS)

Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu sau:

+ Thở nhanh, khó thở.

+ Hạ Huyết áp

II. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc chung

- Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

- Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. 

- Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

- Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.

2. Điều trị thuốc kháng vi rút

- Chỉ định: Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

- Thuốc được sử dụng hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir.

- Liều lượng Oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng. Thời gian điều trị là 5 ngày.

3. Điều trị triệu chứng

- Hạ sốt: Có thể dùng Paracetamol khi sốt trên 38o5, Ibuprofen. không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.

- Đảm bảo cân bằng nước điện giải

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý

 

III. PHÒNG LÂY NHIỄM CÚM

1. Các biện pháp phòng bệnh chung

-  Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm

-  Tăng cường rửa tay

-  Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

-  Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

2. Tiêm phòng vắc xin cúm

- Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.

- Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: Nhân viên y tế; Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); Người trên 65 tuổi

3.  Dự phòng bằng thuốc

- Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.

- Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày.

Tài liệu tham khảo: Theo Quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa

Hãy liên hệ phòng tiêm chủng – Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để tiêm vacxin sớm nhất phòng bệnh. Hotline 086 8222115.

chu-dong-phong-benh-cum-mua-1.png

Nguồn: BSCKI Phan Xuân Thủy - Trưởng khoa Truyền nhiễm

Thẻ:
Chia sẻ: