Đây là một tai nạn cần cấp cứu nhanh vì nọc độc của ong có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bị ong đốt.
Tử vong do bị ong đốt chiếm từ 40-100 người/ năm tại Mỹ nhưng con số thực tế cao hơn. Tử vong có thể xảy ra rất sớm trong vòng giờ đầu do sốc phản vệ (chiếm từ 3-8% người bị ong đốt) và tử vong muộn trong những ngày sau do độc tố của nọc ong.
Ở Việt Nam ong mật thường không gây tử vong do độc tố. Liều độc và mức độ nặng phụ thuộc rất nhiều vào loại ong và số vết đốt của nó, vì vậy việc nhận dạng ong là rất quan trọng. Nọc độc của từng loài có khả năng gây độc khác nhau, tuy nhiên không nhiều các trường hợp nạn nhân có thể xác định chính xác tên loài ong đã tấn công.
- Ong thuộc họ cánh màng gồm 02 họ chính:
+ Họ ong vò vẽ bao gồm: Ong vò vẽ, Ong bắp cày, Ong vàng.
+ Họ ong mật gồm: Ong mật và Ong bầu
Trong 02 tháng qua, tại Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh đã tiếp nhận gần 20 ca bị ong đốt ở các lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, người lớn và cả người già với các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Tháng 9 năm 2022 tại Khoa cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc (CC-HSTC-CĐ) - Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 64 tuổi ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội vào cấp cứu do bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết đốt với các biểu hiện toàn thân nặng, các vết đốt ở giữa hoại tử trắng, xung quanh có viền đỏ, phù nề, đau buốt nhiều, chỉ số xét nghiệm CK hơn 14.400 U/I (dải tham chiếu bình thường là 24-190 U/I) nguy cơ suy thận cấp thể vô niệu có thể tiến triển do hoại tử ống thận thứ phát từ tiêu cơ vân là rất cao nếu không được xử lý đúng và kịp thời.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa CC-HSTC- CĐ đã cấp cứu kịp thời, xử trí, điều trị theo đúng phác đồ. Hiện tại, sau 1 tuần điều trị tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
(Bệnh nhân Nam 64 tuổi, bị ong đốt)
- Ra khỏi khu vực có nhiều ong ngay lập tức.
- Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra.Tuyệt đối lưu ý không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm.
- Uống nhiều nước để loại thải các độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
* Cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện sau:
- Bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ.
- Xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân.
- Người bị đốt có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng, ...
* Phòng tránh ong đốt như thế nào
- Tránh xa những khu vực có nhiều tổ ong sinh sống.
- Không dùng gậy, que chọc phá tổ ong, cần đặc biệt căn dặn điều này với trẻ em.
- Khi vào rừng không nên xịt nước hoa, trang điểm và mặc quần áo sặc sỡ hoặc quần áo in hình những bông hoa vì sẽ hấp dẫn ong.
- Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm vì lúc này thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.
- Đối với những người nuôi ong lấy mật, cần đảm bảo tốt công tác mang áo quần phòng hộ, tránh để lộ phần da bên ngoài.
- Khi đi dã ngoại thì lưu ý những đồ ăn, nước uống ngọt cũng lôi kéo ong đến.
- Không đi chân không vào rừng vì có thể dẫm phải tổ ong.
- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa).
- Vệ sinh, chặt bỏ các nhánh cây um tùm, không tạo điều kiện cho ong làm tổ quanh nhà.
Nguồn: KHOA CC-HSTC-CĐ