Đau mắt đỏ lây qua đường nào, có phải nhìn nhau cũng lây hay không? Bệnh đau mắt đỏ có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị lực nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách. Vì thế, cần tìm hiểu về bệnh một cách cẩn trọng để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một bệnh không quá nguy hiểm nếu biết điều trị, chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa. Để bệnh nhanh khỏi, bạn có thể tìm hiểu đau mắt đỏ lây qua đường nào để kiểm soát bệnh, chăm sóc mắt cũng như phòng ngừa bệnh dễ dàng, hiệu quả hơn.
Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Với băn khoăn bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào, bạn có thể xác định được một số đường lây lan phổ biến như sau:
1. Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…
2. Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…
3. Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…) hoặc dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…)
4. Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi)
Một số điều lưu ý đối với khả năng lây nhiễm của viêm kết mạc
Ở những nơi công cộng, bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc… hoặc những khu vực có mật độ người đông, thường phải tiếp xúc với cự ly gần như bến tàu xe, trên xe bus, chợ… nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus) là rất cao.
Trong vòng một tuần sau khi hết bệnh, viêm kết mạc vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì vậy, để phòng bệnh cho cá nhân và tránh lây lan cho người khác, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay kỹ, chú ý thói quen sinh hoạt.
Đặc biệt đối với các bé, phụ huynh nên nhắc nhở con trẻ không dụi mắt, nhất là khi đang sinh hoạt chung với nhóm bạn. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Cách ngăn chặn đau mắt đỏ lây lan
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ bị lây lan và nếu không chữa kịp thời, dứt điểm sẽ có hại cho mắt.
Các chuyên gia nhãn khoa khẳng định không có chuyện bị lây đau mắt đỏ vì nhìn bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người có cảm tưởng như vậy bởi họ nghĩ mình không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Với những trường hợp đau mắt do vi rút, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng, sốt, đau họng, nổi hạch.
Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.
Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc.
Để tránh bị đau mắt đỏ, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.
Khi bị đau mắt đỏ, nên làm gì để bệnh không lây cho người khác?
Để phòng ngừa bệnh, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác.
Khi có triệu chứng đau mắt đỏ nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị. Về nhà, cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục.
Không đi học, đi làm khi bị đau mắt đỏ để tránh bệnh lây lan
Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc với người khác.
Tóm lại, đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ ít gây biến chứng nghiêm trọng nhưng dễ lây lan cho cộng đồng. Theo đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi, chăm sóc mắt đúng cách, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa, hạn chế đi lại để tránh lây lan cho cộng đồng. Nếu cần đi lại nên đeo kính râm để mắt bớt bị chói và bảo vệ mắt.
Nguồn: Phòng KHTH - VTYT