Chắc hẳn mọi người không cảm thấy quá xa lạ với bệnh bạch hầu, một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp. Trong đó, tác nhân chính gây bệnh là vi khuẩn có tên gọi quốc tế Corynebacterium diphtheriae. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt thì dịch bạch hầu sẽ lây lan diện rộng và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người.
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc-xin
2. Dấu hiệu nhận biết Bệnh bạch hầu
Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, trước hết mọi người cần nắm được các triệu chứng bệnh điển hình. Nhờ vậy, chúng ta sẽ kịp thời phát hiện và hạn chế sự lây lan của vi khuẩn gây bạch hầu.
- Dấu hiệu bệnh có sốt, đau họng, sổ mũi nước mũi trong hoặc lẫn mủ, sưng đau hạch góc hàm, khàn tiếng ( bạch hầu thanh quản), khám họng có giả mạc vùng hầu họng. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Tỷ lệ chết của bệnh là 5-10%.
- Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
3. Chẩn đoán xác định
Đề chẩn đoán sớm bệnh Bạch Hầu người bệnh cần đến cơ sở y tế khám, kèm theo xét nghiệm tìm vi khuẩn bạch hầu dương tính
4. Phòng Bệnh
Để phòng bệnh Bạch Hầu Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân:
- Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
Bạch hầu đã có vaccine phòng ngừa, tiêm chủng cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi. Vaccine có hiệu lực bảo vệ đến 97% khi được tiêm đủ phác đồ, bao gồm mũi nhắc lại.Vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR) có những loại vắc xin:
Vắc xin 5 in 1 phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Hib – Viêm gan B: chỉ định tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 liều tiêm cách nhau 1 tháng.
Vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván: tiêm nhắc khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Vắc vắc xin Bạch hầu – Uốn ván: tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi.
Đối với trẻ lớn, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/ lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Chi tiết lịch tiêm chủng vắc xin vui lòng liên hệ số Hotline 0868.222.115 Phòng Tiêm chủng Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để được tư vấn.
P.KHTH-VTYT