Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa vừa ký Công văn 3581/BHXH-TTKT gửi Giám đốc, Thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế về việc thông tin, tuyên truyền Điều 215, Bộ Luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ Điều 215, Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về hành vi gian lận bảo hiểm y tế quy định tại Khoản 1, Điều 215 Bộ luật Hình sự:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định”.
Các tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 215 Bộ luật Hình sự. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm…
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền về một số thuật ngữ áp dụng được hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.
Trong đó, lập hồ sơ bệnh án khống là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.
Kê đơn thuốc khống là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh là trường hợp có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng kê số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê không đúng tên thuốc, vật tư y tế, loại giường và các dịch vụ kỹ thuật khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nghiêm túc phổ biến, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân viên y tế về Điều 215, Bộ Luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP.