DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM VIÊM NÃO MÔ CẦU

DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM VIÊM NÃO MÔ CẦU

By Quản Trị Viên Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Mê Linh Th09 05, 2024 28


1. Định nghĩa và dịch tễ bệnh não mô cầu tại Việt nam

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.

- Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư v.v…) và các cơ địa suy giảm miễn dịch

- Ở Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn có các vụ dịch lẻ tẻ ở các địa phương.

- Người bệnh và người lành mang vi khuẩn là nguồn chứa duy nhất, ước tính có khoảng 10 – 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng), tỷ lệ này có thể tăng đến 40-50% trong các vụ dịch.

- Đã phát hiện 13 typ huyết thanh, trong đó có các typ hay gây bệnh là: A, B, C, X, Y, Z và W135. Ở việt nam ba typ : A,B,C chiếm tỷ lệ cao.

a.png

2. Dự phòng lây nhiễm não mô cầu như thế nào?

Phòng bệnh đặc hiệu:Tiêm phòng vắc xin não mô cầu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh.

Hiện nay tại Việt Nam có 3 loại vaccin:

+ Vaccin phòng các typ huyết thanh A, C, Y, W135 ( Menactra): tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.

+ Vaccin phòng các typ huyết thanh B, C ( Mengoc BC): Tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

+ Vaccin phòng các typ huyết thanh B (Bexsero): Tiê, cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

a-1.png

Phòng bệnh chung:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.

Phòng bệnh trong bệnh viện:

- Cách ly bệnh nhân

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.

- Quản lý và khử khuẩn đồ dùng và chất thải của bệnh nhân, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân.

- Có thể sử dụng thuốc dự phòng cho nhân viên y tế và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

- Điều trị theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.

BSCKI Phan Xuân Thủy-Khoa Truyền nhiễm.

Thẻ:
Chia sẻ: