Hơn 180.000 người dân Mê Linh được khám sức khỏe miễn phí

Hơn 180.000 người dân Mê Linh được khám sức khỏe miễn phí

By Quản Trị Viên Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Mê Linh Th04 19, 2023 33

Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tính nhân văn sâu sắc và ý nghĩa của chương trình.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm việc với huyện Mê Linh về triển khai khám sức khỏe cho toàn dân.

- Thưa ông, vì sao huyện Mê Linh lại có chủ trương khám sức khỏe cho toàn dân?

- Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh và Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức khám, quản lý sức cho nhân dân trên địa bàn. Kế hoạch được triển khai với chủ đề “Tháng hành động vì sức khỏe nhân dân huyện Mê Linh” nhằm quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người già, trẻ em, đối tượng yếu thế, tiến tới 100% người dân Mê Linh được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.

Sau khi rà soát, tổng hợp số liệu, toàn huyện có 5 đối tượng với 180.656 người dân cần được khám, quản lý sức khỏe lần này, gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi là 22.359 người; học sinh 50.407 em; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là 4.197 người; người cao tuổi, hưu trí 37.166 người; lao động tự do 66.527 người.

Bắt đầu từ 24-4, huyện tổ chức khám bệnh cho người dân tại nhà văn hóa, trường học, trạm y tế các xã, thị trấn… và phấn đấu đến ngày 31-5-2023 hoàn thành.

- Trong đợt này, người dân được khám, sàng lọc những bệnh gì. Đặc biệt, những trường hợp mắc bệnh nan y, huyện có biện pháp gì để hỗ trợ?

- Trong chiến dịch khám sức khỏe lần này, người dân được khám các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh; khám ngoại tổng hợp như da liễu, vận động và khám chuyên khoa tai mũi họng, răng - hàm - mặt, mắt. Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ có thể khám thêm các bộ phận khác, tùy từng bệnh nhân.

Căn cứ kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm ổ bụng tổng quát, test đường huyết mao mạch… đối với các trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến, chủ động giúp đỡ, liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để người bệnh yên tâm điều trị. Đồng thời, huyện chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, động viên, áp dụng các chính sách an sinh xã hội, kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cho người bệnh.

- Đây là chủ trương rất ý nghĩa và nhân văn, nhưng cần nguồn kinh phí lớn và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ đông, vậy huyện Mê Linh huy động như thế nào, thưa ông?

- Đúng vậy, huyện coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự giúp đỡ của các bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương và thành phố để tổ chức khám bệnh cho nhân dân đạt kết quả cao nhất.

Hiện tại, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo để tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai kế hoạch. Trong đó, ngày 12-4, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch khám sức khỏe toàn dân năm 2023 đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và xã, thị trấn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân; chú trọng công tác truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát đối tượng, bố trí địa điểm và lực lượng hỗ trợ các đoàn khám bệnh bảo đảm khoa học, theo quy trình, tiến độ thực hiện.

Đối với công tác khám bệnh, UBND huyện đã huy động 347 cán bộ y tế, gồm 115 bác sĩ, 232 điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Trung tâm Y tế huyện và sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương, thành phố, như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Medlatec, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội… Với sự hỗ trợ nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế từ các bệnh viện, huyện thành lập 38 dây chuyền khám và triển khai xuống 18 xã, thị trấn, khu công nghiệp...

Bên cạnh đó, huyện còn huy động khoảng 687 người, gồm phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên, giáo viên... tham gia vào dây chuyền nhập dữ liệu, hướng dẫn người dân đến điểm khám và phân luồng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ hậu cần các buổi khám.

Về kinh phí tổ chức chiến dịch khám sức khỏe toàn dân, huyện sử dụng một phần từ ngân sách, còn lại huy động xã hội hóa của các bệnh viện và từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Năm 2023, toàn huyện Mê Linh sẽ khám sức khỏe cho hơn 180.000 người dân.

- Hồ sơ khám sức khỏe của người dân sẽ được quản lý như thế nào để kết nối vào phần mềm quản lý sức khỏe chung của thành phố sau này?

 - Như trên đã nói, huyện huy động đội ngũ nhân viên phục vụ cùng trang thiết bị tham gia hỗ trợ nhập dữ liệu. Tất cả hồ sơ, giấy tờ, kết quả khám bệnh của từng người dân sẽ được thiết lập theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11-3-2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Phần mềm được sử dụng nhập dữ liệu do Bệnh viện Đa khoa Mê Linh quản lý, đã được nâng cấp bảo đảm đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân, có mở cổng kết nối với trung tâm y tế và các trạm y tế xã, thị trấn để thuận tiện cho việc quản lý, cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân; sẵn sàng kết nối vào phần mềm quản lý sức khỏe chung của thành phố sau này.

Ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả khám và theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân. Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo sức khỏe người dân trọn đời.

Trân trọng cảm ơn ông!

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/co-so/829324/hon-180000-nguoi-dan-me-linh-duoc-kham-suc-khoe-mien-phi

 

 

Thẻ:
Chia sẻ: