Ngày 9/10/2022 Khoa câp cứu – BVĐK huyện Mê Linh tiếp nhận trẻ nhi 5 tuổi tại địa chỉ Xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội vào cấp cứu do nuốt đồng xu khi đùa nghịch giờ thứ 1. Theo lời người nhà trẻ kể lại cách vào viện 20 phút trẻ đùa nghịch nuốt phải đồng xu, sau nuốt trẻ kích thích tăng tiết nước bọt, nuốt đau nhiều, nôn khạc nhiều, không ho, không tím tái đưa vào bệnh viện đa khoa Mê Linh cấp cứu. Trẻ vào cấp cứu trong tình trạng tỉnh, kích thích tăng tiết nước bọt, không tím tái khó thở, SPO2: 97% khí trời, nôn khạc nhiều, nuốt đau nhiều, huyết động ổn định, phổi thông khí tốt, rì rào phế nang rõ, bụng mềm, không chướng.
Xquang ngực:
Hình ảnh dị vật(đồng xu) trên X - quang
Sau khi xác định được dị vật thực quản, bệnh nhân đã được gây mê nội soi gắp dị vật. Hiện tại sức khỏe của trẻ đang dần ổn định. Đây là một trường hợp hy hữu khi trẻ đã nuốt đồng xu vào đường tiêu hóa nên cho dù đồng xu khá to như cũng không gây khó thở và suy hô hấp. Nếu tình huống là vào đường hô hấp nguy cơ suy hô hấp tử vong rất cao nếu trẻ không được sơ cấp cứu kịp thời.
Qua một số trường hợp đã cấp cứu tại bệnh viện chúng tôi xin được chia sẻ một số kiên thức cơ bản về nhận biết và xử trí cấp cứu khi bị dị vật đường thở.
Dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong. Dị vật đường thở có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường gặp chủ yếu ở trẻ em chưa nhận thức được nguy hiểm và người cao tuổi do phản xạ nuốt kém, xa sút trí tuệ….
Các dị vật đường thở có thể có nhiều loại:
- Động vật: tôm, vỏ tôm, xương cá...
- Thực vật: hột na, hạt lạc, hạt ngô, hạt đỗ, hạt bí...
- Hoặc viên thuốc, kẹo viên, nắp bút, thạch...
Các dị vật khi rơi vào đường thở có thể mắc ở thanh quản, khí quản hay phế quản.
Vì sao trẻ dễ bị hóc dị vật ???
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, mà điều quan trọng là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn:
Trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay.
Trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng.
Trẻ ăn thức ăn dễ hóc, không phù hợp với từng lứa tuổi. Bé chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục (quả có hạt như nhãn, chôm chôm, loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu...).
Nhận biết trẻ bị dị vật đường thở.
Trẻ đang bú, đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ và/ hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức, ý thức trẻ lịm dần...
Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó hôn mê và tử vong.
Những sai lầm thường gặp phải trong sơ cứu hóc dị vật.
Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, khiến tình trạng của trẻ không giải quyết được mà còn nặng hơn như:
Nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định có phải trẻ bị hóc dị vật đường thở không? Thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu không đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật.
Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.
Sử dụng một số mẹo dân gian như: cho trẻ nuốt cơm, hoa quả,...điều này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.
Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều bậc phụ huynh vuốt ngực cho trẻ, đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở
Nên làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?
- Nếu trẻ còn hồng hào, ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là trẻ đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng
· Cha mẹ bình tĩnh, đứng bên cạnh cổ vũ, động viên trẻ tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp trẻ tống được vật thể lạ ra ngoài.
· Tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm tìm vật lạ, không cho trẻ uống bất cứ thứ gì, vì như vậy bạn có thể vô tình đẩy vật này vào sâu hơn. Chỉ móc ra những thứ mà bạn nhìn thấy.
· Nếu sau khi cơn ho dịu đi, bạn vẫn tiếp tục nghe thấy thở ồn ào hay tiếng ho thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức, có thể vật lạ đã đi sâu vào phế quản, dễ gây viêm phế quản phổi tái diễn nếu không xử trí triệt để.
·Nếu bé thở khó khăn trong vòng vài phút, đưa đi cấp cứu ngay để gắp dị vật ra.
- Nếu trẻ tím tái, khó thở không khóc được hoặc khóc yếu:
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành sơ cứu như sau:
+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.
+ Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
+ Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Sau khi lấy được dị vật, hoặc trẻ la khóc được, vẫn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
- Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi)
Thực hiện thủ thuật Heimlich:
+ Vòng hai cánh tay quanh phần giữa thân người của bệnh nhân.
+ Một tay nắm chặt và đặt giữa đường giữa rốn và mũi ức.
+ Đẩy bụng với nạn nhân đứng hoặc ngồi
+ Đẩy mạnh nắm đấm và hướng lên trên bằng cách kéo cả hai cánh tay quay ra sau và lên trên.
+ Lặp đi lặp lại thật nhanh động tác đẩy từ 6 đến 10 lần, nếu cần.
Nếu trẻ hôn mê:
- Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ.
- Đặt gốc một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.
- Ẩn 5 cái đột ngột, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.
- Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục lặp lại các bước như trên cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Chú ý: Nếu trẻ ngưng thở
- Gọi cấp cứu ngay.
- Bắt đầu hồi sức tim phổi ( hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi.
Các biện pháp phòng ngừa.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò khám phá và chưa nhận thức được những nguy hiểm rình rập, vì vậy người lớn luôn cần để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa cất đặt đồ đạc nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ:
Đồ chơi
- Để bóng bay (đã thổi căng hoặc chưa thổi) ngoài tầm tay của trẻ.
- Để đồ chơi nhỏ (ví dụ như đồ chơi xếp hình Lego, giầy dép của của búp bê Barbie...) xa tầm tay. Nhắc anh chị của bé tuân thủ quy định.
- Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời. Luyện cho trẻ thói quen không cho vào miệng ngậm mút.
Đồ đạc trong nhà
- Không để cúc áo và các loại pin trong tầm tay của trẻ.
- Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.
Phòng ngừa sặc thức ăn
- Luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn.
- Không bao giờ ép trẻ ăn, uống khi đang khóc, chạy nhảy hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng, vì như vậy trẻ có thể bị nghẹn.
- Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ.
- Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu...
Nguồn: BVĐK Mê Linh