Thảo luận về những khó khăn về định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo Thông tư 13/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết Bộ Y tế có quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc ban hành khung giá cố định như hiện nay vẫn có những điểm chưa hợp lý.
“Đơn cử ca bệnh “đặt hàng” bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng… Theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500 nghìn đồng cho cả ê kíp mổ. Trường hợp này sẽ không có bác sĩ nào nhận với giá như trên.
Hay với kỹ thuật mổ đẻ, nạo hút thai, với người bệnh không có sẹo tử cung thì ca mổ được thực hiện rất dễ dàng nhưng với bệnh nhân đã có 3 lần sẹo mổ thì khó hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn, nguy cơ tai biến cũng cao hơn. Tuy nhiên, theo Thông tư 13 thì chỉ quy định một giá mổ đẻ, tức là tính chung giá cho các ca mổ này” – GS Ánh dẫn chứng.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho rằng Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao chùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn, như yêu cầu bác sĩ mổ, chọn giờ mổ, có người trông bé, mát xa mẹ và bé, thanh toán viện phí tại chỗ, có nhân viên chăm bé cả ngày…Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường (vật tư y tế…).
Trước những khó khăn về định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu quy định tại Thông tư 13, GS.TS Nguyễn Duy Ánh đề xuất, với các bệnh viện tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá đảm bảo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân nhưng vẫn đảm bảo việc thu đúng thu đủ. Tức là các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm; hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.
Cùng thảo luận, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, giá dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu theo Thông tư 13/2023/TT-BYT được quy định trong khung chưa phù hợp với chi phí thực tế ở từng đơn vị.
Ông Long dẫn chứng: “Ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chi phí khấu hao tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội lớn do đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc đắt tiền do đó nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ”.
Theo ông Long, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, đây chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển, do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các công cụ để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là dịch vụ kỹ thuật đặc biệt.
Việc cơ sở y tế phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất (buồng khám, giá dịch vụ theo TCVN-2012) theo Thông tư 13 là chưa thực tế đối với một số bệnh viện có diện tích chật hẹp hoặc có ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Việt Nam-CuBa.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện cũng có cùng ý kiến đang gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng thông tư 13 của Bộ Y tế. Nhiều danh mục liên quan đến giá tối thiểu và giá tối đa được quy định với sự chênh lệch quá cao.
Giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu, bà Hoàng Thị Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết: “Để xác định khung giá tối đa và tối thiểu tại Thông tư 13, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước có cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để thu thập giá dịch vụ này của từng đơn vị, từ đó có cơ sở để ban hành khung giá”.
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ quan điểm cho rằng căn cơ sâu xa mà Thông tư 13 chưa đề cập đến là định mức kinh tế - kỹ thuật. “Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong thời gian vừa qua để cho ra đời Thông tư 13, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung thiếu cập nhật, chắp vá và chưa theo kịp thực tiễn, vì thế gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Cần có chiến lược dài hơi để xây dựng, điều chỉnh các văn bản, quy phạm pháp luật”, TS Trần Thị Nhị Hà khẳng định.
Nguồn: SYT Hà Nội https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/nhieu-kho-khan-khi-thuc-hien-thong-tu-13-quy-inh-ve-gia-dich-vu-theo-yeu-cau