Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue tại nhà

Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue tại nhà

By Quản Trị Viên Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Mê Linh Th08 29, 2023 33

Sốt xuất huyết điều trị tại nhà được không?

CÓ THỂ. Không phải tất cả người bệnh sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhập viện hoặc chăm sóc và theo dõi tại nhà. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể được theo dõi và điều trị ngoại trú tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt và bù dịch điện giải bằng nước lọc, nước hoa quả hay dung dịch điện giải, nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Người mắc sốt xuất huyết thể nhẹ có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng như chườm mát, uống thuốc hạ sốt, bù nước vì cho đến bây giờ sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết thể nặng cần được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện, gồm: trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì; những nhóm người có nguy cơ chảy máu nặng như người dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, viêm loét dạ dày, tá tràng,…

Dấu hiệu cần phải nhập viện điều trị

Ban đầu bệnh nhân chỉ có các dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ nên được điều trị tại nhà, tuy nhiên sốt xuất huyết có thể trở nặng đột ngột, khi đó cần phải đưa bệnh nhân đến viện để được thăm khám và xử trí:

·         Tổng tạng của bệnh nhân tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì

·         Triệu chứng nôn tăng lên về số lần và lượng dịch nôn.

·         Bệnh nhân than đau bụng hoặc tăng dần cảm giác đau

·         Đi tiểu ít: số lần đi ít hơn và số lượng cũng giảm hơn

·         Xuất hiện chảy máu bất kỳ vị trí nào: chân răng, máu cam...

 

 Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Đối với các thể bệnh nhẹ, sốt xuất huyết điều trị tại nhà được mà không cần nhập viện. Khi bị sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu, người bệnh sẽ có phản ứng sốt cao như sốt virus thông thường khác và thường chưa có biến chứng nên có thể điều trị tại nhà bằng cách:

·         Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần;

·         Nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát, có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng;

·         Uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1;

·         Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp...;

·         Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, vì vậy phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt.

·         Để giúp nhiệt độ cơ thể tỏa ra nhanh hơn, bệnh nhân nên mặc quần áo thoáng bởi khi người bệnh sốt cao, cơ thể thường có cảm giác ớn lạnh, nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo cho người bệnh, việc làm này càng làm hạn chế việc tỏa nhiệt của cơ thể khiến bệnh sốt xuất huyết điều trị lâu hơn và dẫn đến biến chứng nặng;

·         Đối với trẻ nhỏ, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn thường ngày, dễ tiêu. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.

Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.

Thẻ:
Chia sẻ: